Bài Học Về Kỹ Năng Tư Vấn Giám Sát Công Trình
GS.TS.Vũ trọng Hồng
Đại học Thủy lợi
Phần một: cơ sở pháp lý và nghiệp vụ giám sát thi công
» Hồ sơ mời thầu trong hoạt động xây dựng là gì?
» Dịch vụ cấp nhanh chứng chỉ hành nghề tư vấn giám sát tại sở xây dựng
» Nhân tố cần thiết của một giám sát viên giỏi trong công việc
» Tổ chức các khóa học bồi dưỡng nghiệp vụ xây dựng tại đơn vị trên toàn quốc
I – Mở đầu
– Công tác giám sát thi công xây dựng công trình là một hoạt động nằm trong một chuỗi các hoạt động khác của quá trình thực hiện dự án xây dựng công trình như: lập qui hoạch xây dựng, lập dự án đầu tư xây dựng công trình, khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng công trình, thi công xây dựng công trình, giám sát thi công xây dựng công trình, quản lí dự án đầu tư xây dựng công trình, lựa chọn nhà thầu và các hoạt động khác (điều 3 – Luật Xây dựng).
– Tổ chức hoặc cá nhân hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình cũng được qui định thành chức danh có các chức năng, nhiệm vụ với các tiêu chuẩn như trình độ học vấn, thâm niên công việc, kinh nghiệm nghề nghiệp, chứng chỉ hành nghề (điều 62, điều 65 – Nghị định 16/2005)
– Mục đích của hoạt động giám sát thi công nhằm xác nhận cho công trình bảo đảm đúng thiết kế, theo qui chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, chất lượng để đưa vào nghiệm thu. Như vậy mọi công trình xây dựng trong quá trình thi công phải được thực hiện chế độ giám sát (điều 87 – Luật Xây dựng)
– Công trình xây dựng là sản phẩm được tạo thành bởi sức lao động của con người, vật liệu xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình, được liên kết với đất, được xây dựng theo thiết kế. Với đặc thù trên thì việc thi công công trình xây dựng không chỉ phụ thuộc điều kiện tự nhiên mà còn tuỳ thuộc vào trình độ và sức lao động của con người, vào đặc điểm các loại vật liệu, các loại thiết bị xây dựng. Điều này đòi hỏi người giám sát thi công không chỉ nắm vững kĩ thuật xây dựng mà còn cần có kinh nghiệm về giám sát thi công, có nghiệp vụ và sức khoẻ mới có thể theo kịp mọi diễn biến trong qúa trình thi công.
II – Vai trò người giám sát thi công
1. Vị trí : một chức danh trong hoạt động xây dựng (tương tự chủ nhiệm dự án, chủ nhiệm khảo sát, chủ nhiệm thiết kế).
2. Chức năng: giám sát nhà thầu thi công trong quá trình xây dựng.
3. Nhiệm vụ: có 2 nhiệm vụ chính như sau
a) Theo dõi việc thực hiện các công việc của nhà thầu thi công bằng những biện pháp được ghi trong hợp đồng xây dựng, ở khâu xây và lắp trong quá trình thi công tại hiện trường.
b) Kiểm tra:
– Điều kiện khởi công xây dựng;
– Sự phù hợp năng lực nhà thầu thi công với hồ sơ dự thầu và hợp đồng xây dựng (nhân lực, thiết bị; hệ thống quản lí chất lượng; giấy phép sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư; phòng thí nghiệm và cơ sở sản xuất vật liệu, cấu kiện, sản phẩm xây dựng phục vụ thi công);
– Chất lượng vật tư, vật liệu và thiết bị lắp đặt do nhà thầu thi công cung cấp (giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất; kết quả thí nghiệm của phòng thí nghiệm hợp tiêu chuẩn và kết quả kiểm định chất lượng thiết bị của các tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận; khi nghi ngờ thì kiểm tra trực tiếp);
– Kiểm tra biện pháp thi công;
– Kiểm tra quá trình triển khai công việc ở hiện trường (ghi nhật kí giám sát hoặc biên bản kiểm tra);
– Xác nhận bản vẽ hoàn công;
– Tổ chức nghiệm thu;
– Tập hợp, kiểm tra tài liệu phục vụ nghiệm thu của nhà thầu thi công;
– Phát hiện sai sót, bất hợp lí về thiết kế để điều chỉnh hoặc yêu cầu nhà thầu điều chỉnh;
– Tổ chức kiểm định lại khi nghi ngờ về chất lượng công trình;
– Chủ trì giải quyết vướng mắc giữa các bên liên quan;
4. Quyền hạn:
– Yêu cầu điều chỉnh;
– Dừng thi công;
– Yêu cầu khắc phục hậu quả;
– Từ chối nghiệm thu;
5. Năng lực:
– Trình độ: đại học trở lên
– kinh nghiệm: tham gia thiết kế, thi công, giám sát ít nhất 5 năm
– Đào tạo: qua lớp bồi dưỡng giám sát thi công;
– Được cấp chứng chỉ hành nghề tư vấn giám sát ;
6. Phạm vi hoạt động:
– Không gian: phạm vi thi công của nhà thầu;
– Thời gian: thường xuyên, liên tục trong quá trình thi công;
7. Mối quan hệ:
– Nhà thầu thi công;
– chủ đầu tư;
– Tư vấn thiết kế;
– Chuyên gia một số lĩnh vực trong thiết kế, thi công.
8. Ngoại lệ:
– Ngoài thiết kế quy định
– Sự cố công trình
Nguồn dữ liệu:
– Hồ sơ thiết kế: thuyết minh, bản vẽ;
– Chỉ dẫn kĩ thuật, biện pháp thi công trong hợp đồng;
– Qui chuẩn xây dựng;
– Tiêu chuẩn xây dựng (bắt buộc).
Sản phẩm
– Xác nhận để nghiệm thu hay không nghiệm thu
III – Đặc thù của quá trình xây dựng
Quá trình này có thể chia làm 3 thời kì: thời kì chuẩn bị, thời kì thi công và thời kì hoàn thiện công trình. Mỗi thời kì có những đặc điểm riêng.
Trong thời kì chuẩn bị, trước tiên phải kiểm tra những điều kiện để khởi công xây dựng công trình như có mặt bằng xây dựng để bàn giao toàn bộ hoặc từng phần theo tiến độ xây dựng do chủ đầu tư xây dựng công trình và nhà thầu thi công thoả thuận. Các tồn tại trong việc giải phóng mặt bằng thi công công trình cần phải giải quyết, thoả thuận về các biện pháp và trách nhiệm cụ thể của mỗi bên. Xác lập hệ thống cọc mốc định vị cơ bản phục vụ thi công. Phần mặt bằng cần làm rõ đường thi công và các vật kiến trúc di dời, các mỏ vật liệu cần được khai thác sớm. Đối với công trình thủy lợi-thủy điện thì việc dọn lòng hồ và di dời dân là công việc rất phức tạp cần có thời gian. Tiếp theo là kiểm tra giấy phép xây dựng (chú ý đến các công trình đang tồn tại ở xung quanh công trường để khi xây dựng không gây hư hại (do nổ mìn, do đóng cọc gây lún xung quanh, do tiêu nước làm mất nguồn nước sinh hoạt của cộng đồng xung quanh). Đồng thời đảm bảo khoảng cách qui định đối với công trình vệ sinh, kho chứa hoá chất độc hại), thiết kế bản vẽ thi công cùng các chỉ dẫn kĩ thuật của hạng mục công trình đã được phê duyệt.Trong thực tế, để xây dựng công trình có nhiều phần khuất như công trình thuỷ lợi hoặc trải dài theo tuyến như công trình giao thông thì trong hồ sơ thiết kế thường có những sai sót ở những mức độ khác nhau. Có 3 nhóm sai sót:
Nhóm 1: Gồm những sai sót đơn giản có thể bổ khuyết mà không cần sửa lại thiết kế.
1. Không làm đúng yêu cầu về hệ thống hồ sơ thiết kế và tiêu chuẩn của hệ thống kiểm tra tài liệu, cụ thể trong công việc làm thủ tục hồ sơ thiết kế.
2. Làm hồ sơ thiết kế nhưng không sử dụng những mẫu chuẩn, mô hình bảng tính sẵn, các định mức dự toán tổng hợp, các bản vẽ trang trí mẫu, các phần tiêu chuẩn hoá của bản vẽ.
3. Bản vẽ không ghi đầy đủ, sai tỉ lệ qui định
4. Sao chép các bộ phận của bản vẽ, cấu kiện, chi tiết, và cụm tiêu chuẩn hoá in trong các tập sưu tầm và sản xuất đại trà hiện hành, sao chép lời thuyết minh.
5. Các thiếu sót không đáng về kích thước, cao trình hoặc bỏ qua không theo đúng qui định.
6. Không tận dụng phương pháp in bản vẽ nhanh nhất
7. Thiếu các ý kiến phản biện, góp ý kiến của chuyên gia chính trong từng lĩnh vực hoặc của bộ phận liên quan.
Nhóm 2: gồm những sai sót phải tính thêm (sửa lại) trong bản thiết kế hoặc là thêm một số phần.
1. Thiếu phần luận chứng đối với nhiệm vụ thiết kế, giải thích điều kiện kĩ thuật, giải pháp kĩ thuật chính của thiết kế được duyệt
2. Không làm đúng định mức, nguyên tắc xây dựng và các định mức khác dẫn tới phải sửa lại tài liệu.
3. Tài liệu thiết kế không được lập đầy đủ họăc chưa đồng bộ
4. Sai sót lớn trong tính toán khối lượng, chọn đơn giá, lập bảng nhu cầu vật tư, thiết bị, nhiệm vụ đề ra cho các đơn vị.
5. Sai sót lớn trong tính toán kết cấu xây dựng và chọn thiết bị vận hành, gây ra những thay đổi lớn.
6. Sử dụng lại các kết cấu, chi tiết thiết bị không còn phù hợp
7. Sử dụng những biện pháp không kinh tế
8. Sử dụng các kết cấu chịu tải, các thiết bị vận hành thiếu những tính toán cần thiết.
9. Thiếu những phương án cần thiết để chọn lựa các giải pháp thiết kế tiết kiệm nhất.
10. Giữa những bản vẽ tính toán và các bộ phận của bản vẽ thiết kế thiếu sự chuyển tiếp nhau.
11. Sử dụng không đúng vật liệu hiếm nhập ngoại.
12. Thiếu hoặc không đầy đủ các phương sách chống nhiễm bẩn, chống ổn, bảo về môi trường ( kể cả đất thổ nhưỡng)
13. Không có quy trình công nghệ để chế tạo lắp ráp các chi tiết kết cấu thiết bị
14. Trong thiết kế thi công thiếu các giải pháp công xưởng hoá, sử dụng lao động xây dựng nhiều, không hợp lý.
15. Thiếu sự thoả thuận của cơ quan giám định nhà nước đối với tồn tại về tiêu chuẩn nhà nước và đinh mức, nguyên tắc xây dựng và các tài liệu khác. Đặc biệt thiếu sự thoả thuận về an toàn cháy nổ và an toàn điện.
16. Chất lượng giải pháp thiết kế thấp(so với chuẩn hoặc công trình đã xây dựng tương tự)
Nhóm 3: gồm những vi phạm không cho phép sử dụng hồ sơ thiết kế hiện có hoặc phải sửa lại toàn bộ
1. Thiếu nhiệm vụ thiết kế và các quy định về kỹ thuật
2. Sai lệch lớn về khối lượng và giá trị dự toán dẫn đến làm sai lệch về giá trị xây dựng thực của công trình
3. Vi phạm định mức, nguyên tắc xây dựng, ảnh hưởng đến độ tin cậy của kết cấu.
4. Thiếu sự an toàn trong v n hành, đặc biệt an toàn về cháy nổ và an toàn điện
5. Những bản vẽ thiết kế đặc thù riêng thiếu luận cứ khi lập ra
6. Mức độ chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và chất lượng các giải pháp thấp hơn quy định
7. Giá trị xây dựng của công trình thiết kế, ở giai đoạn thiết kế kỹ thuật cao hơn so với vốn đầu tư dự kiến trong giai đoạn chứng kinh tế kĩ thuật.
Hợp đồng xây dựng ghi rõ các công việc cần tiến hành, yêu cầu về chất lượng, có biện pháp bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh môi trường xung quanh, thống nhất biện pháp thi công.
Trong việc kiểm tra năng lực của nhà thầu phải ghi rõ chủng loại và số lượng các dụng cụ đo lường, trắc đạc, phương tiện lấy mẫu kiểm tra chất lượng mà mỗi nhà thầu thi công cần có ở công trường. Các nguyên tắc khi lấy mẫu và đem mẫu đi thí nghiệm. Nguyên tắc thông báo và xử lí kết quả thí nghiệm.
Trong giai đoạn thi công chia ra các giai đoạn: chuyển bước thi công đơn giản và chuyển bước thi công quan trọng.
Các giai đoạn chuyển tiếp bước thi công đơn giản :
– Mặt bằng thi công;
– Tim mốc định vị thi công của hạng mục hoặc bộ phận công trình hoặc của công trình;
– Hố móng trước khi đổ bê tông hoặc trước khi đắp đất;
– Cốt liệu cát, đá, xi măng, nước, ván khuôn, cốt thép và các vật đặt sẵn trong bê tông trước khi đổ bê tông;
– Phần đánh rỉ trước khi sơn;
– Các bộ phận cơ khí gia công hoặc mua ở các nhà máy trươc khi đưa xuống hiện trường và ở hiện trường trước khi lắp đặt.
Các giai đoạn chuyển bước thi công quan trọng :
Cần chú ý những điểm sau:
– Khi nghiệm thu hố móng: Phải có ý kiến đánh giá, kết luận của chủ nhiệm địa chất và chủ nhiệm đồ án về địa chất thực tế của nền so với tài liệu khảo sát thiết kế và biện pháp xử lí nền. Phải có hồ sơ (chứ không phải sơ đồ) hoàn công công trình hội đồng nghiệm thu cơ sở.
– Khi nghiệm thu móng cọc phải thực hiện nghiệm thu trước khi đào móng nếu là đóng cọc âm. Đơn vị xây lắp lập bản vẽ hoàn công giai đoạn này, và trình chủ đầu tư tiến hành nghiệm thu hố móng.
– Đối với nghiệm thu khô trước khi thông nước như cống, kênh, tràn, trước khi cho ngập nước, khi ngăn sông. Các đơn vị xây lắp phải lập hồ sơ hoàn công cho các phần việc đã hoàn thành và phải cam kết chịu mọi phí tổn về sửa chữa và phục vụ cho yêu cầu về sửa chữa (nếu có) do thi công chưa đảm bảo gây nên.
Trường hợp nghiệm thu khô trước khi thông nước cho các công trình trên kênh của hồ chứa, trạm bơm có qui mô nhỏ, ít quan trọng thì có thể xem xét cân nhắc ở phiên họp đầu tiên của hội đồng nghiệm thu cơ sở để uỷ quyền cho ban nghiệm thu cơ sở tiến hành nghiệm thu. Khi đó đơn vị xây lắp vẫn phải lập hồ sơ hoàn công để trình ban nghiệm thu cơ sở kiểm tra đánh giá nghiệm thu.
– Đối với công tác đắp đập hoặc kênh bằng phương pháp đầm nén tuỳ theo biện pháp dẫn dòng thi công hoặc phân đoạn thi công mà qui định các giai đoạn chuyển bước thi công quan trọng. Khi nghiệm thu đơn vị xây lắp phải lập hồ sơ hoàn công trình hội đồng nghiệm thu cơ sở.
Nghiệm thu các hạng mục công trình đã xây dựng xong đưa vào sử dụng:
Chỉ có hạng mục công trình đã xây dựng xong sau khi vận hành thử và kiểm tra đủ khả năng chịu tải, công suất làm việc như thiết kế qui định mới được nghiệm thu để đưa vào sử dụng.
Trường hợp có thể phát huy hiệu quả từng phần do chủ đầu tư hoặc đơn vị xây lắp yêu cầu trong quá trình lập biện pháp tiến độ tổ chức thi công đã được phê duyệt, hội đồng nghiệm thu cơ sở có thể thoả thuận tiến hành nghiệm thu từng đoạn trong một hạng mục kênh, lần lượt từ đầu mối đến một công trình điều tiết, từ cống điều tiết đó đến công trình điều tiết phía sau… Ở công trình hồ chứa nước hay trạm bơm, hoặc là từng đoạn kênh của công trình trên kênh đào ở đồng bằng sông Cửu Long như là nghiệm thu hạng mục công trình đã xây dựng xong đưa vào sử dụng theo đúng các điều quy định đã nêu ở trên
Trong giai đoạn kết thúc xây dựng – Tổng hợp các bản nghiệm thu để bàn giao đưa công trình vào sử dụng theo các qui định như sau: bảo đảm các yêu cầu về nguyên tắc, nội dung và trình tự bàn giao công trình đã xây dựng xong đưa vào sử dụng theo qui định của pháp luật xây dựng; bảo đảm an toàn trong vận hành, khai thác khi đưa công trình vào sử dụng.
Nhà thầu thi công xây dựng công trình có trách nhiệm hoàn thiện thi công xây dựng, thu dọn hiện trường, lập bản vẽ hoàn công và chuẩn bị các tài liệu để phục vụ việc nghiệm thu công trình và bàn giao công trình. Để đảm bảo công trình đang được xây dựng thoả mãn với tất cả mọi yêu cầu của nhiệm vụ thiết kế, thể hiện cụ thể ở bản vẽ thiết kế và phù hợp với các qui chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn xây dựng; khi nghi ngờ về chất lượng, chủ đầu tư kiểm định lại chất lượng bộ phận công trình, hay hạng mục công trình và công trình xây dựng. Nội dung như sau:
a) Xem xét sự thi hành hợp đồng xây dựng có thực hiện đúng yêu cầu về khối lượng, chất lượng đã qui định.
b) Kiểm soát nội dung công việc theo các thời gian khác nhau
c) Thử nghiệm để xác nhận sản phẩm đã phù hợp chưa với những yêu cầu của qui chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng
Để phục vụ nội dung trên cần nghiên cứu những chỉ đạo tác nghiệp sau:
1. Những yêu cầu về qui trình kĩ thuật:
– Trong hợp đồng phải nêu rõ những yêu cầu thuộc quy trình kỹ thuật nhất thiết bên nhận phải đạt được nó là chỉ tiêu kỹ thuật cơ bản là thông số kỹ thuật trong công nghệ thi công.Ví dụ:công trình đất phải quy định rõ dung trọng thành phần hạt…công trình bê tông phải đạt cường độ, độ chống thấm…lắp máy phải đạt độ đồng tâm,khe hở, cửa van phải đạt độ kín nước… trong công nghệ thi công đất phải đủ thiết bị đầm trong thi công bê tông phải có đồng bộ thiết bị trộn, chuyển, đầm phù hợp với cường độ thiết kế….
– Quy định những yêu cầu của các bên để đạt được theo quy trình kỹ thuật đề ra.
Ngoài ra còn có một số yêu cầu cho phép thực hiện theo mức độ giới hạn nhất định nhưng chỉ áp dụng ở hạng mục không quan trọng, khối lượng nhỏ hoặc dùng để chỉ đạo trong quá trình thi công.
2. Sự kiểm tra:
– Những yêu cầu chung cho kiểm tra nghiên cứu và thử nghiệm xác định trong những điều khoản thuộc về điều kiện chung của hợp đồng, còn những yêu cầu chi tiết tiêu chuẩn kiểm tra và những phương pháp thử nghiệm được đặt ra trong suốt quá trình thực hiện quy trình kỹ thuật, cán bộ kiểm tra tiến hành công việc bằng các phương pháp trực quan, đo lường, thử nghiệm, chia hai loại kiểm tra
– Kiểm tra tổng hợp:phần này hoàn toàn do người thực hiện lấy ở vốn đầu tư công trình nhằm nghiệm thu công trình đưa vào vận hành sử dụng.
– Kiểm tra tác nghiệp:nhằm điều chỉnh lại quy trình công nghệ để đạt dất lượng theo yêu cầu và nghiệm thu để chuyển giai đoạn thi công – phần này chủ yếu dựa vào tài liệu tự kiểm tra của bên nhận thầu cung cấp, kết hợp sự quan sát tại hiện trường của bên chủ đầu tư
3. Phòng thí nghiệm:
Ngoài phần thí nghiệm do bên nhà thầu tiến hành cần có hoặc hợp đồng phòng thí nghiệm của bên chủ đầu tư nhằm kiểm tra, kiểm định các số liệu còn nghi ngờ do bên nhà thầu cung cấp như vật liệu, cấu kiện, thiết bị có đúng theo yêu cầu thiết kế không ? Qua đó công nhận
– Quy trình kỹ thuật đã và đang thực hiện;
– Vật tư, vật liệu, thiết bị được chọn lọc đúng yêu cầu thiết kế.
Trong một công trường tốt nhất xây dựng 1 phòng thí nghiệm cho cả chủ đầu tư và nhà thầu sử dụng. Phòng thí nghiệm này cần có ngay từ lúc mới khởi công để đảm bảo chất lượng công trình. Trong thực tế thi công tại một số công trình lớn thì sau một thời gian từ 3 đên 6 tháng (thậm chí 1 năm) công nghệ thi công mới ổn định, lúc đó mới đảm bảo chất lượng, còn trong giai đoạn trên các tiêu chí kĩ thuật của sản phẩm dao động với khoảng cách lớn. Phòng thí nghiệm cần có nhân viên kĩ thuật huấn luyện đầy đủ để đảm đương các khâu thí nghiệm. Những mẫu thí nghiệm cần chia ra:
– Loại mẫu quản lí: do kĩ sư có trách nhiệm thực hiện lấy để quản lí chất lượng ở mỗi giờ, mỗi ngày để kịp thời điều chỉnh công nghệ thi công.
– Loại mẫu đã nghiệm thu, thanh toán, thay đổi theo qui mô và một loại công tác, được cơ quan thiết kế yêu cầu và ghi trong hợp đồng. Dựa trên mẫu này để lập số kiểu thí nghiệm gốc, đối chiếu với yêu cầu cần thiết kế.
– Loại mẫu để kiểm tra bằng dụng cụ tự ghi giúp việc chính xác hoá các số đo của thiết bị.
4. Hồ sơ thi công:
Hồ sơ thi công phải hoàn chỉnh, tài liệu cơ sở của hồ sơ là bản vẽ thiết kế gốc có sự điều chỉnh, bổ sung thay đổi do thực tế thi công đặt ra, cùng với các yêu cầu của qui định kĩ thuật. Trong hồ sơ phản ánh cả kết quả thí nghiệm, đo lường, báo cáo và ảnh chụp… trong các qui phạm có qui định chi tiết nội dung và số lượng từng loại hồ sơ. hồ sơ gốc do b lập, bên a sẽ bổ sung một số tài liệu kiểm tra tổng hợp.
Bản vẽ hoàn công là cơ bản nhất trong tập hồ sơ đó, do vậy chủ đầu tư khi nghiệm thu nhất thiết không được bỏ qua bản vẽ này; nhiều trường hợp lấy nguyên bản vẽ thiết kế làm hồ sơ gốc, khiến cho hồ sơ này hoàn toàn không có giá trị trong quá trình thi công.
IV. Tổ chức giám sát
Do đặc điểm công trình xây dựng và đặc thù của quá trình xây dựng nên người giám sát thi công cần có một một số khả năng.
1. Kỹ năng và phẩm chất
– Trình độ học vấn: đại học;
– Bồi dưỡng kiến thức: kỹ thuật cũng như nghiệp vụ (cách xem xét các quá trình; phỏng vấn và giao tiếp; thu thập dữ liệu;phân tích và đánh giá thông tin; lập báo cáo về những phát hiện; hiểu các tiêu chuẩn, qui chuẩn; hoạch định và tổ chức đánh giá; hiểu đặc điểm kỹ thuật và nguyên tắc hoạt động của lĩnh vực giám sát thi công);
– Phẩm chất cá nhân: có khả năng làm việc tập thể; tin cậy với mọi người; trung thực; dúng giờ; kỹ lưỡng; nói chuyện thu hút; phát âm rõ; kiên trì; không vụ lợi; khách quan; chính xác; nhã nhặn; nhạy cảm; hiếu kỳ; nghiêm khắc; giao tiếp tốt;
– Khả năng quản lý: xác định mục tiêu; lập kế hoạch; truyền đạt trong nhóm; lập tiêu chuẩn đánh giá; giám sát và đo lường tiến độ;
– Trau dồi năng lực: luôn cập nhật kiến thức (tiêu chuẩn hệ thống chất lượng, những yêu cầu, thủ tục và phương pháp đánh giá); tham gia các khóa huấn luyện để củng cố kiến thức và kỹ năng;
– Ngôn ngữ: ngoài ngôn ngữ giao tiếp thông thường (tiếng Việt, tiếng Anh v.v.) đánh giá chất lượng còn liên quan đến ngôn ngữ kỹ thuật (thuật ngữ) chuyên biệt đối với đặc thù sản phẩm hay quá trình sản xuất;
– Đạo đức nghề nghiệp: nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của đạo đức nghề nghiệp để có thể xử sự một cách đúng đắn khi thực thi trách nhiệm của mình. Không được tiến hành công việc dựa trên cảm tình hoặc thành kiến;tôn trọng nguyên tắc bảo mật;cần linh động xử lý để đạt được mục tiêu.
2. Phương pháp đánh giá
– Phương pháp truy tìm: dùng để đánh giá một quá trình;
– Phương pháp đánh giá ngẫu nhiên; khám phá những gì đang diễn ra trong thực tế;
– Phương pháp xem xét từng yếu tố;
– Phương pháp đánh giá theo chức năng.
3. Kỹ năng đánh giá
– Phỏng vấn;
– Quan sát;
– Thẩm tra và kiểm chứng;
– Phân tích dữ liệu.
V. Bài tập thực hành
1. Hiểu những khái niệm quan trọng của thuạt ngữ. Gắn mỗi khái niệm xếp theo thứ tự chữ cái vào với mỗi câu tương ứng xếp theo thứ tự chữ số:
a/ Điều kiện khởi công
b/ Giám sát thi công
c/ Bản vẽ hoàn công
d/ Tiêu chuẩn xây dựng bắt buộc
e/ Điều kiện thi công
g/ Qui chuẩn xây dựng
h/ Giám sát tác giả
i/ Chủ đầu tư
k/ Hoạt động xây dựng
l/ Tiêu chuẩn xây dựng
1/ Để xây dựng công trình phải tiến hành các công việc: qui hoạch, lập dự án đầu tư, khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát thi công.
2/ Khi xây dựng công trình ở những vùng nằm trong hoạt động chấn động của vỏ trái đất, thiết kế và thi công bắt buộc phải áp dụng những qui định của nhà nước.
3/ Trong thi công bê tông phải tuân thủ trình tự thực hiện của qui phạm thi công và nghiệm thu kết cấu bê tông.
4/ Mọi dự án xây dựng phải làm rõ người sở hữu vốn.
5/ Trong quá trình thi công phải giám sát để bảo đảm thi công đúng bản vẽ thiết kế.
6/ Khi mở công trường xây dựng phải có mặt bằng, giấy phép, thiết kế bản vẽ thi công, hợp đồng xây dựng, vốn, biện pháp thi công.
7/ Nhà thàu thi công phải có đăng ký, năng lực tư vấn giám sát, chỉ huy trưởng công trình, chứng chỉ năng lực thi công xây dựng theo hạng 1 2 3 tùy theo phân cấp công trình, thiết bị thi công
8/ Khi thi công xây dựng công trình phải theo dõi, kiểm tra về chất lượng, khối lượng, tiến độ, an toàn lao động và vệ sinh môi trường.
9/ Bản vẽ công trình, trong đó thể hiện kích thước thực tế so với kích thước thiết kế.
10/ Khi thiết kế phải chú ý : điều kiện khí hậu xây dựng, dịa chất thủy văn, thủy văn khí tượng, phân vùng động đất, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường, an toàn lao động.
2. Đúng/Sai
1/ Khi nghiệm thu bàn giao bộ phận công trình bê tông chỉ cần căn cứ vào những chỉ tiêu thí nghiệm của mẫu bê tông đã được đúc trước đây.
2/ Khi kích thước, thông số thực tế thi công phù hợp với kích thước, thông số thiết kế thì bản vẽ thiết kế thi công được dùng làm bản vẽ hoàn công.
3/Trọng lượng đơn vị khối bê tông tính theo định mức cấp phối không bao giờ nhỏ hơn 2,4T/m3.
4/ Hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công chỉ cần thuyết minh và bản vẽ chi tiết.
5/ Khi phát hiện thi công sai thiết kế giám sát tác giả không có quyền yêu cầu nhà thầu dừng thi công.
6/ Sau khi công trình đã được nghiệm thu, bàn giao đưa vào vận hành thì không cần lưu trữ kết quả giám sát thi công.
7/ Nhật ký thi công công trình không chỉ có giá trị theo dõi tiến độ thi công mà còn giúp cho việc truy tìm nguyên nhân ảnh hưởng chất lượng công trình.
8/ Khi nghiệm thu bàn giao bộ phận công trình đập đất chỉ cần căn cứ vào những chỉ tiêu thí nghiệm từng lớp đất đắp trong quá trình lên đập.
9/ Trong quá trình thi công đập tràn bê tông người ta phát hiện tường cánh thượng lưu được thi công đã nghiệm thu nay có vết nứt dài, tương đối thẳng, độ rộng khe nứt khoảng dưới 1mm, trông như 1 sợi chỉ. Nhóm giám sát đưa ra 3 nguyên nhân gây nứt: do nổ mìn khi đào móng gần tường, do tường bị lún không đều, do hiện tượng ứng suất nhiệt của bê tông. Nguyên nhân nào đúng? Nguyên nhân nào sai? Vì sao?
10/ Khi kiểm tra điều kiện thi công của nhà thầu, phát hiện thiếu giấy phép xây dựng, chủ đầu tư vẫn cho tiếp tục thi công và yêu cầu bổ sung giấy phép.
3. Bài tập
Để thi công công trình bê tông, căn cứ vào khối lượng công việc, định mức và năng lực nhà thầu, đã xác định thời gian để hoàn thành từng việc như sau:
– Thi công bê tông móng trạm trộn bê tông :15 ngày;
– lắp trạm trộn và chạy thử: 30 ngày;
– Song song với việc lắp trạm trộn, vận chuyển cát, đá, xi măng về kho của trạm trộn 20 ngày;
– Thí nghiệm vật liệu, điều chỉnh cấp phối: 45 ngày;
– Đổ bê tông, dưỡng hộ, kiểm tra lấy mẫu, nghiệm thu đưa vào sử dụng: 30 ngày.
Hãy xác định:
– Tổng độ dài xây dựng công trình là bao nhiêu ngày ?
– Những công việc nào phải tuân thủ chặt chẽ về thời gian (không có thời gian dự trữ).
( Nguồn: GS.TS Vũ Trọng Hồng – Trường Đại Học Thủy Lợi)