(Xây dựng) – Phúc đáp văn bản trả lời gửi Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng đã có một số góp ý về việc tham gia ý kiến đối với Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Hành nghề kỹ sư chuyên nghiệp.
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Về sự cần thiết ban hành dự án Luật Hành nghề kỹ sư chuyên nghiệp
Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 06/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã đưa ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm mục tiêu xây dựng đội ngũ trí thức lớn mạnh, đạt chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, từng bước tiến lên ngang tầm với trình độ của trí thức các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới. Thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, Bộ Chính trị đã có Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 16/4/2010 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Ban Bí thư đã có Thông báo số 353-TB/TW ngày 25/6/2010 về việc xác định các vấn đề triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, trong đó, đã giao Ban Cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng dự thảo Luật Hành nghề kỹ sư chuyên nghiệp để trình Quốc hội đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII. Tuy nhiên, từ năm 2008 đến nay, Chính phủ chưa có đề xuất xây dựng dự án Luật này.
Bên cạnh đó, trong những năm qua, Quốc hội khóa XIII, XIV đã thông qua và chuẩn bị thông qua nhiều dự án Luật có các quy định về việc hành nghề của kỹ sư theo các lĩnh vực (như: Luật Điện lực, Luật Viễn thông, Luật Năng lượng nguyên tử, Luật Việc làm, Luật Xây dựng, dự án Luật Kiến trúc… và cũng đã được thể hiện tại Báo cáo tổng kết việc thi hành pháp luật trong Hồ sơ đề nghị). Các Luật này đã có quy định nhằm phát triển đội ngũ trí thức, phát triển hành nghề chuyên nghiệp của kỹ sư theo lĩnh vực.
Do vậy, Bộ Xây dựng đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng sự cần thiết ban hành Luật Hành nghề kỹ sư chuyên nghiệp trong giai đoạn hiện nay.
Về nội dung Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Hành nghề kỹ sư chuyên nghiệp
Về Đề cương dự thảo Luật: Tại khoản 6, Chương I của Đề cương dự thảo Luật đề xuất nội dung quy định mối quan hệ của Luật Hành nghề kỹ sư chuyên nghiệp với các luật hiện hành và các luật sẽ được ban hành có liên quan, tuy nhiên, tại Điều 156 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 đã quy định về nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật (bao gồm đầy đủ các trường hợp: văn bản có quy định khác nhau về cùng một vấn đề, văn bản do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề). Do vậy, việc dự thảo Luật Hành nghề kỹ sư chuyên nghiệp quy định về mối quan hệ giữa Luật này với các luật có liên quan dễ dẫn đến trùng lặp, chồng chéo với quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
Tại Chương III của Đề cương dự thảo Luật đề xuất việc cấp chứng chỉ hành nghề kỹ sư chuyên nghiệp, đồng thời, tại Chương VIII về điều khoản thi hành và các Chương khác không có nội dung bãi bỏ các quy định về chứng chỉ hành nghề tại các pháp luật chuyên ngành (ví dụ: Luật Điện lực, Luật Viễn thông, Luật Xây dựng…). Do vậy, trường hợp dự án Luật này được thông qua thì khi hành nghề sẽ phải có đồng thời 02 loại chứng chỉ (01 loại chứng chỉ theo quy định của Luật này và 01 loại chứng chỉ theo quy định của pháp luật chuyên ngành) là phát sinh thủ tục hành chính, gây khó khăn cho cá nhân hành nghề, không phù hợp với chủ trương cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh của Đảng, Nhà nước hiện nay.
Tại Chương VII của Đề cương dự thảo Luật đề xuất nhiều nội dung quản lý nhà nước về hành nghề kỹ sư chuyên nghiệp, tuy nhiên, chưa xác định cụ thể cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước và các cơ quan liên quan quản lý về hành nghề kỹ sư chuyên nghiệp.
Về Tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật: Theo quy định tại điểm a, Khoản 1, Điều 37 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì Tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật Hành nghề kỹ sư chuyên nghiệp còn thiếu nội dung về các giải pháp để thực hiện các chính sách đã được lựa chọn và lý do của việc lựa chọn. Đề nghị bổ sung cho đầy đủ. Bên cạnh đó, Tờ trình cũng chưa làm rõ sự cần thiết phải ban hành Luật, đặc biệt là yêu cầu từ thực tiễn hành nghề kỹ sư; các tác động tích cực, lợi ích (về kinh tế, xã hội…) mà dự án Luật đem lại nếu được thông qua.
Về Báo cáo tổng kết việc thi hành pháp luật: Tại Báo cáo tổng kết việc thi hành pháp luật có nhiều nhận định chung chung, chưa có thông tin, số liệu để minh chứng, ví dụ: nhận định “các Bộ, ngành chủ yếu tiếp cận vấn đề kỹ sư chuyên nghiệp từ góc độ yêu cầu của những tổ chức kinh doanh dịch vụ kỹ thuật nhất định nên không có quan điểm toàn diện, tổng thể, hệ thống về vấn đề này”, “việc quy định hành nghề kỹ sư xây dựng còn thiếu, một số quy định còn sơ sài, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, chưa theo kịp những yêu cầu mới hiện nay về hội nhập quốc tế” tại mục 3.1.1 Phần III của Báo cáo, “một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hành nghề kỹ sư chưa bảo đảm tính thống nhất cũng như chưa tương thích với các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là thành viên” tại mục 3.1.2 Phần III của Báo cáo…
Các nội dung hạn chế, bất cập tại Báo cáo tổng kết việc thi hành pháp luật được trình bày dàn trải, chưa khái quát thành các vấn đề bất cập lớn; các nguyên nhân chưa được phân tách thành nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan; hạn chế, bất cập và nguyên nhân của hạn chế, bất cập còn chưa được phân định rõ (ví dụ: chồng chéo trong quy định pháp luật được nêu tại cả hạn chế, bất cập và nguyên nhân của hạn chế, bất cập…).
Phần IV của Báo cáo tổng kết việc thi hành pháp luật về đề xuất định hướng hoàn thiện thể chế hành nghề kỹ sư chuyên nghiệp nhưng lại đề cập đến những hạn chế, bất cập trong hành nghề kỹ sư, nhiều nội dung trùng lặp với nội dung đã nêu tại Phần III của Báo cáo.
Do vậy, đề nghị rà soát, bổ sung đầy đủ các thông tin, số liệu minh chứng, chỉnh lý nội dung Báo cáo tổng kết việc thi hành pháp luật bảo đảm không trùng lặp, làm rõ các nội dung bất cập, hạn chế và nguyên nhân của bất cập, hạn chế.
Về Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng Luật: Tương tự như Báo cáo tổng kết việc thi hành pháp luật, các vấn đề bất cập được nêu tại Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng Luật này cũng cần phải có thông tin, số liệu để minh chứng, không nhận định chung chung. Các nội dung đánh giá tác động về kinh tế cần phải được lượng hóa, so sánh với các quy định hiện hành, nhất là kinh phí do Ngân sách nhà nước bảo đảm; các nội dung đánh giá tác động về thủ tục hành chính cần làm rõ việc có phát sinh thủ tục hành chính hay không, ước lượng chi phí tuân thủ thủ tục hành chính; nội dung đánh giá tác động về hệ thống pháp luật chưa cụ thể, chưa làm rõ tác động khi Luật này được thực thi với pháp luật chuyên ngành.
Về Bảng tổng hợp giải trình, tiếp thu ý kiến của các Bộ, cơ quan, tổ chức có liên quan: Bảng tổng hợp giải trình, tiếp thu ý kiến của các Bộ, cơ quan, tổ chức có liên quan: chưa cụ thể các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức góp ý; chưa cụ thể các nội dung góp ý của các cơ quan, tổ chức; đặc biệt, chưa thể hiện việc lấy ý kiến góp ý và tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của 04 Bộ bắt buộc theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao và Bộ Tư pháp.
Về quy trình lập Hồ sơ, thành phần Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Hành nghề kỹ sư chuyên nghiệp
Tại Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Hành nghề kỹ sư chuyên nghiệp do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam chủ trì soạn thảo nêu đã có văn bản số 66/LHHVN-LHNKS ngày 31/01/2019 gửi lấy ý kiến Chính phủ, một số bộ và cơ quan liên quan đối với Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Hành nghề kỹ sư chuyên nghiệp. Tuy nhiên, tại Hồ sơ đề nghị chưa thể hiện việc lấy ý kiến cũng như việc tiếp thu, giải trình các ý kiến các Bộ, cơ quan nào, đặc biệt chưa thể hiện việc lấy ý kiến của các Bộ có liên quan trực tiếp đến dự án Luật như: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng…
Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Hành nghề kỹ sư chuyên nghiệp chưa bảo đảm đầy đủ các thành phần theo quy định của Điều 37 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, còn thiếu: Bản chụp góp ý của các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan.
Từ những phân tích trên đây, Bộ Xây dựng thấy rằng, Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Hành nghề kỹ sư chuyên nghiệp cần tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện bảo đảm thực hiện đúng quy trình, thủ tục, chất lượng hồ sơ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
Nguồn: Báo Xây Dựng