Góp ý thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Hầm đường bộ qua vịnh Cửa Lục, Quảng Ninh

(Xây dựng) – Bộ Xây dựng vừa có văn bản phúc đáp Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Hầm đường bộ qua vịnh Cửa Lục, tỉnh Quảng Ninh

102012baoxaydung_image001

Phối cảnh hầm đường bộ xuyên vịnh Cửa Lục. (Nguồn: Internet)

Theo Bộ Xây dựng, về sự cần thiết đầu tư dự án: Trong nội dung hồ sơ dự án đã có báo cáo, đánh giá về lưu lượng giao thông qua cầu Bãi Cháy, theo đó do lượng phương tiện qua cầu tăng quá nhanh nên khu vực thường xuyên xảy ra tình trạng tắc nghẽn và các nguy cơ mất an toàn giao thông.

Để góp phần giảm tải cho cầu Bãi Cháy, nâng cao năng lực thông hành giao thông cho khu vực TP Hạ Long nói riêng và của tỉnh Quảng Ninh nói chung, thì chủ trương của tỉnh Quảng Ninh nghiên cứu xây dựng thêm một công trình giao thông qua vịnh Cửa Lục là phù hợp.

Về sự phù hợp với quy hoạch chung, quy hoạch ngành có liên quan: Hiện nay, Bộ Xây dựng đang tiến hành thực hiện thẩm định Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, tại Thông báo số 115/TB-BXD ngày 3/4/2019 của Bộ Xây dựng về Kết luận của lãnh đạo Bộ Xây dựng tại hội nghị thẩm định Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Hạ Long đã đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các cơ quan chức năng, đơn vị nghiên cứu xác định cụ thể vị trí, quy mô hầm Cửa Lục.

Xem thêm:  Hướng dẫn xử lý tình huống cho hợp đồng xây dựng gói thầu xây lắp và thiết bị

Về phương án thiết kế sơ bộ dự án: Nội dung báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cơ bản thực hiện theo quy định Khoản 2, Điều 1, Nghị định số 42/2017/NĐ-CP ngày 5/4/2017 của Chính phủ về sửa đổi và bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Hồ sơ gửi kèm gồm 1 phương án cầu dây văng, 3 phương án hầm dìm và 1 phương án hầm đào bằng công nghệ khoan TBM, trong đó phương án kiến nghị lựa chọn là phương án 1B – hầm dìm. Tuy nhiên, phương án này cần phải xem xét, đánh giá cụ thể hơn nữa do công nghệ thi công hầm dìm rất phức tạp.

Theo phương án 1B – hầm dìm bố trí điểm đầu dự án (bên phía Bãi Cháy) gần và đầu nối vào ngã ba vườn đào (giao giữa đường Hạ Long và đường bao biển là các tuyến đường trục chính đô thị) nên dễ xảy ra xung đột giữa các luồng phương tiện giao thông ra vào hầm với các hướng lưu thông khác, đề nghị nghiên cứu đẩy xa hơn nữa so với vị trí hiện nay hoặc có thể vượt qua ngã ba này hoặc có giải pháp xây dựng nút giao khác mức.

Điểm cuối dự án (bên phía Hòn Gai) nối với đường ven biển Khu đô thị Vinhomes – Bến Đoan (là tuyến đường cảnh quan, ảnh hưởng trực tiếp tới di sản thế giới Vịnh Hạ Long) chưa tương xứng về quy mô mặt cắt ngang giữa hai dự án. Điểm cuối phương án này không kết nối trực tiếp với tuyến đường chính đô thị (đường Lê Thánh Tông, đường 25 tháng 4).

Xem thêm:  Hỏi: Cấp chứng chỉ hành nghề định giá xây dựng

Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo cơ quan liên quan cần nghiên cứu cụ thể hơn nữa, đồng thời phối hợp với các chủ đầu tư dự án đường ven biển để nghiên cứu giải pháp mở rộng mặt cắt ngang tuyến đường ven biển nhằm đảm bảo khả năng lưu thông của phương tiện giao thông.

Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh và các cơ quan liên quan nghiên cứu các nội dung sau:

Trong hồ sơ tư vấn đã thể hiện các bản vẽ về kiến trúc, cảnh quan khu vực cửa hầm. Tuy nhiên, không gian này cần phải thể hiện là điểm nhấn kiến trúc của công trình hầm đường bộ, vì vậy đề nghị cần xem xét, nghiên cứu thêm về phương án kiến trúc hoặc tổ chức thi tuyển, tuyển chọn phương án kiến trúc nhằm đảm bảo mỹ quan, hiện đại và phù hợp với cảnh quan xung quanh.

Đối với hạng mục nhà điều hành, tháp thông gió cần xác định quy mô hợp lý theo quy định tại Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ Quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường. Đề nghị liên hệ với cơ quan quản lý chuyên ngành về môi trường để được hướng dẫn thực hiện việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Khánh An

 

Nguồn: Báo Xây Dựng