Góp ý đồ án quy hoạch chung TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên đến năm 2040

(Xây dựng) – Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Thái Nguyên cho ý kiến về đồ án quy hoạch chung TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên đến năm 2040.

221435baoxaydung_image001
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reatimes)

Theo Bộ Xây dựng, việc triển khai quy hoạch chung TP Sông Công đến năm 2040 nhằm cụ thể hóa quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Thái Nguyên đến năm 2035 và Chương trình phát triển đô thị tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến năm 2035 là cần thiết nhằm quản lý đầu tư xây dựng và phát triển đô thị theo quy hoạch.

Nội dung đồ án cơ bản đáp ứng yêu cầu của Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 7/4/2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị.

Để đảm bảo tính khả thi của đồ án quy hoạch, Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo các cơ quan chức năng và đơn vị tư vấn nghiên cứu, bổ sung một số nội dung.

Cụ thể, Bộ Xây dựng yêu cầu phân tích, đánh giá hiện trạng để làm rõ mối liên hệ về hệ thống hạ tầng xã hội và kỹ thuật giữa khu vực đô thị hiện hữu (phường Thắng Lợi, Phố Cò) với các khu vực đô thị mới phát triển phía Bắc và Tây Bắc (Lương Châu, Bách Quang, Cái Đan, Lương Sơn) và khu đô thị dịch vụ, công nghiệp (xã Bá Xuyên và xã Tân Quang) đảm bảo sự phát triển đồng bộ, hài hòa.

Ngoài ra, UBND tỉnh Thái Nguyên rà soát quy mô dân số dự báo, đảm bảo phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội và tốc độ phát triển đô thị của TP Sông Công (theo đồ án, dân số toàn thành phố hiện trạng năm 2015 đạt 109.409 người, dự báo đến năm 2030 đạt 220.000 người, đến năm 2040 đạt trên 250.000 người là rất cao).

Xem thêm:  Hỏi: Điều kiện đối với cơ sở thi công thiết bị phòng cháy, chữa cháy

Đặc biệt, định hướng không gian kiến trúc cảnh quan, thiết kế đô thị các khu vực không gian công cộng, quảng trường, công viên, đặc biệt là các khu vực xung quanh các nút giao QL3, nút giao đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên… nhằm tạo công trình điểm nhấn kiến trúc khu vực cửa ngõ đô thị. Khu vực trung tâm đô thị (Khu I, phường Thắng Lợi) và khu vực nằm hai bên trục QL37, tỉnh lộ 262 theo đồ án nghiên cứu có mật độ xây dựng cao, bổ sung giải pháp tổ chức không gian cây xanh – mặt nước nhằm khai thác tối ưu địa hình tự nhiên của khu vực.

Khu vực phía Tây của TP Sông Công (các xã Bình Sơn, Minh Sơn) là khu vực nông thôn có địa hình tự nhiên đặc trưng vùng trung du với cảnh quan một phần Hồ Núi Cốc. Do vậy, định hướng phát triển đối với khu vực này là mô hình nông nghiệp sinh thái gắn với phát triển du lịch phù hợp với định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời xác định rõ mô hình, cấu trúc phát triển khu dân cư nông thôn và làm rõ mối quan hệ trong tổng thể giữa đô thị và nông thôn, đảm bảo phát triển đồng bộ và bền vững.

Bổ sung hệ thống hành lang cây xanh cách ly giữa khu dân cư, đô thị mới với Khu công nghiệp – dịch vụ tập trung phía Bắc giao cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên. Các khu công nghiệp tập trung phía Đông Bắc bám dọc tuyến QL3 cũ (phường Bắc Quang) nằm đầu hướng gió chủ đạo, đề nghị xem xét quy mô diện tích, tính chất công nghiệp phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu, cảnh quan và bảo vệ môi trường đô thị về lâu dài.

Xem thêm:  Hỏi: Cấp đổi và cấp mới chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng

Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật cần có sự lồng ghép với các quy hoạch chuyên ngành có liên quan, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và có tính khả thi. Giải pháp san nền, thoát nước mưa cần bám sát địa hình tự nhiên và phù hợp với chế độ thủy văn, quy hoạch phòng chống lũ lụt trên các tuyến sông Công, sông Cầu trên địa bàn đô thị.

Hệ thống giao thông đô thị cần tổ chức theo phân cấp, đảm bảo tính liên thông của mạng lưới đường vành đai, đường liên khu vực… giữa khu vực nội thị và ngoại thị. Lưu ý quy hoạch hệ thống bến, bãi đỗ xe công cộng đáp ứng nhu cầu diện tích và bán kính phục vụ theo quy định. Tổ chức đường gom và nút giao khác cốt với tuyến đường cao tốc đảm bảo an toàn, mỹ quan đô thị và sử dụng đất hợp lý.

Bổ sung dự thảo Quy định quản lý, báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân và nhân dân trong khu vực trong quá trình nghiên cứu, lập và thẩm định quy hoạch.

Cuối cùng, rà soát, kiểm tra các thông số kỹ thuật trên bản vẽ và thuyết minh để đảm bảo tính thống nhất, chính xác với thực địa, phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch đô thị và Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 7/4/2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị.

Ánh Dương

 

Nguồn: Báo Xây Dựng