(BĐT) – Qua 15 kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu, theo Trung tâm Hỗ trợ đấu thầu thuộc Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), một số cá nhân không thuộc đối tượng bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu vẫn đăng ký dự thi và số thí sinh này bị trượt khá nhiều.
♦ Điều kiện và hướng dẫn xin cấp chứng chỉ hành nghề đấu thầu
♦ Đồng Nai: Hủy thầu gói thầu đấu thầu qua mạng vì không có nhà thầu đáp ứng yêu cầu
♦ Đổi mới thi sát hạch chứng chỉ hành nghề đấu thầu: Đăng ký Online
Nhiều thí sinh chưa nắm vững quy định về đối tượng bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề nên rất lo lắng, băn khoăn khi thi trượt.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, đại diện Trung tâm Hỗ trợ đấu thầu cho biết, đến nay đã có trên 5.300 người được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu.
Cục Quản lý đấu thầu đang chuẩn bị tổ chức kỳ thi thứ 16 (diễn ra cuối tháng 8/2018). Tương tự như ở các kỳ thi trước, có khá nhiều đối tượng không thuộc thành phần bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu tiếp tục đăng ký dự thi. Trong số các hồ sơ nộp đăng ký dự thi có cả các bác sĩ ở bệnh viện, trung tâm y tế huyện và một số đơn vị không thuộc diện phải có chứng chỉ hành nghề đấu thầu.
Vị đại diện Trung tâm cũng thông tin thêm, để tham gia kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề đấu thầu, các thí sinh không nhất thiết phải tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức trước khi thi.
Qua thực tế các kỳ thi vừa qua, phản hồi của nhiều thí sinh thuộc đối tượng bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề đấu thầu cho thấy, nhờ có các kỳ thi sát hạch này, các thí sinh có thêm cơ hội cập nhật kiến thức, quy định về đấu thầu, đồng thời có dịp nhìn nhận và đối chiếu lại giữa thực tiễn với các quy định của pháp luật hiện hành, cũng như trau dồi thêm các kỹ năng trong công tác đấu thầu; điều này là rất hữu ích cho những người làm công tác đấu thầu.
Về đối tượng bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu, vị đại diện nêu trên cho biết: Theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 Luật Đấu thầu và Khoản 7 Điều 35 Thông tư số 03/2016/TT-BKHĐT (TT03), các cá nhân tham gia trực tiếp vào công việc: lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất thuộc tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp, doanh nghiệp hoạt động tư vấn đấu thầu, ban quản lý dự án chuyên nghiệp phải có chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu.
Trung tâm Hỗ trợ đấu thầu là đơn vị được giao làm đầu mối nhận hồ sơ đăng ký dự thi và thực hiện các khâu hậu cần chuẩn bị tổ chức kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu.
Làm rõ hơn quy định nêu trên, trao đổi với Báo Đấu thầu, vị đại diện Trung tâm lưu ý, các cá nhân tham gia trực tiếp vào các công việc nêu trên thuộc các đơn vị sau đây phải có chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu: Cá nhân thuộc ban quản lý dự án chuyên nghiệp là các ban quản lý dự án chuyên ngành, ban quản lý dự án khu vực theo quy định của pháp luật về xây dựng hoặc các ban quản lý dự án được thành lập để thực hiện công tác quản lý dự án chuyên nghiệp.
Cá nhân chuyên trách làm công tác quản lý dự án, không mang tính kiêm nhiệm, cá nhân thuộc các ban quản lý dự án được thành lập để làm nhiều dự án cùng lúc hoặc các dự án kế tiếp, gối đầu, hết dự án này đến dự án khác.
Cá nhân thuộc doanh nghiệp/đơn vị hoạt động trong lĩnh vực tư vấn đấu thầu (làm nghề tư vấn đấu thầu).
Cá nhân thuộc đơn vị mua sắm tập trung chuyên trách (cơ quan, tổ chức thành lập ra đơn vị mua sắm tập trung để chuyên trách thực hiện việc mua sắm tập trung của cơ quan, tổ chức mình và hoạt động mua sắm mang tính thường xuyên, liên tục).
Cá nhân không thuộc đối tượng bắt buộc có chứng chỉ:
Đối chiếu quy định hiện hành, đại diện Trung tâm Hỗ trợ đấu thầu lưu ý, các cá nhân không thuộc đối tượng bắt buộc có chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu bao gồm:
Cá nhân thuộc ban quản lý dự án được thành lập để thực hiện một dự án cụ thể và ban quản lý dự án này sẽ giải thể sau khi kết thúc dự án.
Cá nhân thuộc các phòng của cục, vụ, sở, huyện, doanh nghiệp nhà nước… tham gia trực tiếp vào các công việc nêu tại Khoản 7 Điều 35 TT03 theo nhiệm vụ được giao và không hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực đấu thầu. Hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực đấu thầu là tham gia trực tiếp vào một trong các công việc nêu tại Khoản 7 Điều 35 TT03 một cách thường xuyên, liên tục, mang tính chất nghề nghiệp, chuyên môn, chuyên trách.
Cá nhân tham gia trực tiếp vào các công việc nêu tại Khoản 7 Điều 35 TT03 trong mua sắm tập trung theo mô hình kiêm nhiệm, không thường xuyên, liên tục và không hoạt động chuyên nghiệp, chuyên trách trong lĩnh vực đấu thầu.
Ba loại đối tượng nêu trên khi tham gia vào hoạt động đấu thầu phải có chứng chỉ đào tạo về đấu thầu mà không yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu.