Những điều cần lưu ý trong hợp đồng pháp luật về đấu thầu

Hợp đồng trong đấu thầu là một trong những chế định quan trọng. Dưới đây là một số điều cần biết về hợp đồng trong pháp luật về đấu thầu.

hợp đồng đấu thầu

Nguyên tắc chung của hợp đồng

Về bản chất, hợp đồng trong đấu thầu cũng là một loại hợp đồng dân sự, tôn trọng việc thoả thuận giữa các bên và được thể hiện dưới hình thức văn bản.

Nội dung của hợp đồng phải được lập theo mẫu quy định trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, đồng thời phù hợp với kết quả thương thảo hợp đồng, kết quả lựa chọn nhà thầu trên cơ sở yêu cầu của gói thầu và hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành.

Bên cạnh đó, trước khi ký kết hợp đồng, các bên có thể thỏa thuận việc sử dụng trọng tài để giải quyết các tranh chấp xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng. Nội dung liên quan đến việc sử dụng trọng tài phải được quy định cụ thể trong hợp đồng.

Giá hợp đồng

Trong quá trình thảo luận giao kết hợp đồng, các bên thoả thuận về giá hợp đồng theo quy định tại Điều 90 Nghị định 63/2014/NĐ-CP.

Theo đó, giá hợp đồng phải được xác định rõ trong hợp đồng kèm theo nguyên tắc quản lý các thay đổi, điều chỉnh (nếu có).

Giá hợp đồng cần được thể hiện chi tiết ở mức độ phù hợp trong bảng giá hợp đồng theo mẫu đã được quy định trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và được thương thảo, hoàn thiện trước khi ký kết hợp đồng.

Đồng tiền và hình thức thanh toán hợp đồng

Căn cứ theo quy định tại Điều 91 Nghị định 63/2014/NĐ-CP, đồng tiền các bên sử dụng để thanh toán hợp đồng phải được quy định cụ thể trong hợp đồng và phù hợp với yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và không được trái với các quy định của pháp luật.

Các chi phí trong nước phải được thanh toán bằng đồng Việt Nam, các chi phí bên ngoài lãnh thổ Việt Nam được thanh toán bằng đồng tiền nước ngoài theo quy định trong hợp đồng.

Xem thêm:  Nỗ lực quyết liệt trong công tác đấu thầu qua mạng để tăng hiệu quả

Các bên có thể lựa chọn một trong các hình thức thanh toán bằng tiền mặt, chuyển khoản và các hình thức khác do các bên thỏa thuận theo quy định của pháp luật và phải được ghi trong hợp đồng.

 

Tạm ứng hợp đồng

Tạm ứng hợp đồng là khoản kinh phí được ứng trước cho nhà thầu để triển khai thực hiện các công việc theo hợp đồng. Dựa vào các quy định tại Điều 92 Nghị định 63/2014/NĐ-CP, các bên hoàn toàn có thể tự thoả thuận về mức tạm ứng hợp đồng cho phù hợp.

Trong hợp đồng phải nêu rõ về:

– Mức tạm ứng, thời điểm tạm ứng, bảo lãnh tạm ứng, thu hồi tạm ứng;

 Kế hoạch tạm ứng và mức tạm ứng để bảo đảm tiến độ thực hiện hợp đồng đối với việc sản xuất các cấu kiện, bán thành phẩm có giá trị lớn, một số vật liệu phải dự trữ theo mùa;

– Trách nhiệm của các bên trong việc quản lý, sử dụng kinh phí tạm ứng; thu giá trị của bảo lãnh tạm ứng trong trường hợp sử dụng kinh phí tạm ứng không đúng mục đích.

Nhà thầu chịu trách nhiệm quản lý việc sử dụng vốn tạm ứng đúng mục đích, đúng đối tượng, có hiệu quả. Nghiêm cấm việc tạm ứng mà không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích.

Điều chỉnh giá và khối Iượng của hợp đồng

Việc điều chỉnh giá hợp đồng phải được quy định rõ trong hợp đồng về nội dung điều chỉnh, nguyên tắc và thời gian tính điều chỉnh, cơ sở dữ liệu đầu vào để tính điều chỉnh. Điều 93 Nghị định 63/2014/NĐ-CP có quy định cụ thể về vấn đề này như sau:

Điều chỉnh đơn giá

Đối với hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh, trong hợp đồng phải quy định rõ các nội dung sau đây:

– Thời điểm để tính toán đơn giá gốc (thông thường xác định tại thời điểm 28 ngày trước thời điểm đóng thầu) để làm cơ sở xác định chênh lệch giữa đơn giá trúng thầu và đơn giá điều chỉnh;

– Các cơ sở dữ liệu đầu vào để tính toán điều chỉnh đơn giá, trong đó chỉ số giá để làm cơ sở tính điều chỉnh đơn giá lấy theo chỉ số giá do Tổng cục Thống kê công bố hoặc chỉ số giá xây dựng do Bộ Xây dựng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố;

Xem thêm:  Chứng thư số đấu thầu là gì? (cập nhật 2024)

– Phương pháp, công thức tính điều chỉnh đơn giá:

Việc xác định phương pháp, công thức tính điều chỉnh đơn giá phải dựa trên cơ sở khoa học, phù hợp tính chất của gói thầu. Khuyến khích vận dụng các phương pháp tính đang áp dụng rộng rãi trên thị trường quốc tế như các mẫu quy định của Hiệp hội quốc tế các kỹ sư tư vấn (FIDIC), hướng dẫn của Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

Điều chỉnh khối lượng

Khi điều chỉnh khối lượng hợp đồng cần chú ý:

– Nguyên tắc điều chỉnh khối lượng phải được quy định rõ trong hợp đồng nếu tại thời điểm ký hợp đồng chưa xác định được đầy đủ khối lượng cần phải thực hiện;

– Những khối lượng công việc tăng do lỗi chủ quan của nhà thầu gây ra thì không được phép điều chỉnh;

– Đối với những khối lượng công việc trong bảng giá hợp đồng mà thực tế thực hiện chênh lệch quá 20% khối lượng quy định ban đầu thì hai bên phải thỏa thuận nguyên tắc điều chỉnh đơn giá hợp lý, phù hợp với điều kiện thay đổi khối lượng (tăng hoặc giảm) khi thanh toán cho phần khối lượng thực hiện chênh lệch quá 20% này;

– Những khối lượng phát sinh ngoài điều kiện quy định điều chỉnh ban đầu của hợp đồng hoặc trường hợp cần phải có sự tham gia của cả hai bên trong hợp đồng để ngăn ngừa, khắc phục các rủi ro thuộc trách nhiệm một bên thì hai bên cùng bàn bạc thống nhất biện pháp xử lý.

Lưu ý: Trường hợp có phát sinh chi phí hoặc thay đổi tiến độ thực hiện thì hai bên phải báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định và ký kết phụ lục bổ sung hợp đồng để làm cơ sở thực hiện.

Trên đây là bài viết của chúng tôi về “Một số điều cần biết về hợp đồng trong pháp luật về đấu thầu” gửi đến bạn đọc. Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào, bạn hãy liên hệ với chúng tôi để được giải đáp.