Luật Kiến trúc: Phải tạo được hành lang pháp lý đối với việc xây dựng các công trình nhà ở riêng lẻ

(Xây dựng) – Một tinh thần chung trong dự thảo Luật Kiến trúc là đề cao vai trò và trách nhiệm nghề nghiệp của kiến trúc sư. Do đó, bên cạnh việc tạo một môi trường lành mạnh hơn cho sáng tác kiến trúc, Luật cũng gắn trách nhiệm của người thiết kế với tác phẩm của mình – là điều kiện tiên quyết cho việc nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý xây dựng, trong đó có xây dựng nhà ở riêng lẻ.

164821baoxaydung_image001
PGS.TS.KTS. Phạm Trọng Thuật – Chủ tịch Hội đồng Trường, Trưởng bộ môn Kiến trúc Nhà ở trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.

Kiến trúc là một ngành tổng hợp của nhiều ngành khác, do vậy xây dựng và ban hành Luật Kiến trúc là tăng cường công tác quản lý ở văn bản pháp luật cao nhất và định hướng phát triển kinh tế xã hội góp phần định hướng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Việc ban hành Luật Kiến trúc là rất cần thiết, không chỉ đáp ứng được mong mỏi của giới KTS, của xã hội mà còn đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước để phát huy nguồn lực.

Theo dự kiến, tại kỳ họp thứ 7 tới đây, Quốc hội khóa XIV sẽ thông qua dự án Luật Kiến trúc. Phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS.KTS. Phạm Trọng Thuật – Chủ tịch Hội đồng Trường, Trưởng bộ môn Kiến trúc Nhà ở trường Đại học Kiến trúc Hà Nội về tính cần thiết của Luật Kiến trúc đối với việc xây dựng các công trình nhà ở riêng lẻ.

PV: Thưa thầy Phạm Trọng Thuật, thầy đánh giá như thế nào về thực trạng công tác quản lý xây dựng nhà ở riêng lẻ tại các đô thị lớn hiện nay?

PGS.TS.KTS. Phạm Trọng Thuật: Việc quản lý xây dựng nhà ở riêng lẻ tại các đô thị lớn hiện nay được các chính quyền đô thị quan tâm ở các mức độ khác nhau, nhưng nhìn chung, hiệu quả vẫn còn có những hạn chế nhất định. Việc quản lý xây dựng theo quy hoạch thông qua việc quản lý cấp phép xây dựng cho nhà ở riêng lẻ còn khá nhiều hạn chế, đặc biệt là các khu vực nông thôn đã có quy hoạch.

Xem thêm:  Góp ý điều chỉnh Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tỉnh Hòa Bình

Các nguyên nhân chính có thể kể đến như: Một số địa phương chính quyền cấp quận, huyện, thị xã chưa đề cao trách nhiệm, còn giao phó cho chính quyền cấp phường, xã, thị trấn. Về phân cấp quản lý, với cấp phường, xã, thị trấn, mặc dù được tăng cường cán bộ thanh tra xây dựng, nhưng công tác quản lý, giám sát chủ đầu tư xây dựng công trình theo giấy phép và hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt chưa thường xuyên, chưa kịp thời. Một bộ phận cán bộ các cấp còn nể nang, né tránh, ngại va chạm.

Tại các đô thị lớn, chính quyền đô thị đã có nhiều hành động cụ thể để nâng cao năng lực quản lý xây dựng nhà ở riêng lẻ, tuy nhiên thủ tục cấp giấy phép xây dựng vẫn còn rườm rà, chất lượng chuyên môn trong cấp phép xây dựng còn hạn chế. Ở một vài địa phương, các văn bản hướng dẫn trong công tác quản lý ban hành chậm, gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm.

Ngoài ra, các nội dung quản lý khác liên quan như: quản lý trật tự xây dựng, quản lý quá trình lập quy hoạch chi tiết, vai trò của sự tham gia cộng đồng cần phải được chú ý nhiều hơn nữa.

PV: Thầy nhận định như thế nào về tính cần thiết của Luật Kiến trúc đối với việc xây dựng các công trình nhà ở riêng lẻ?

PGS.TS.KTS. Phạm Trọng Thuật: Việc ra đời Luật Kiến trúc là một bước tiến lớn và cần thiết cho các hoạt động xây dựng, kiến trúc nói chung cũng như hoạt động xây dựng và quản lý xây dựng nhà ở riêng lẻ nói riêng.

Ngoài việc Luật Kiến trúc tạo ra hành lang pháp lý, loại bỏ các rào cản không hợp lý cho các hoạt động nghề nghiệp của đội ngũ kiến trúc sư, Luật Kiến trúc cũng sẽ thành công ở một mức độ nhất định trong việc đưa ra các yêu cầu về bản sắc văn hoá trong tạo lập diện mạo kiến trúc, mà ở đó có sự tham gia không nhỏ của các loại hình nhà ở riêng lẻ.

Xem thêm:  Góp ý đồ án quy hoạch chung TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên đến năm 2040

PV: Dự thảo Luật Kiến trúc đang xây dựng có những điểm mới nào có tính khả thi khi áp dụng vào thực tiễn công tác quản lý xây dựng nhà ở riêng lẻ, thưa thầy?

PGS.TS.KTS. Phạm Trọng Thuật: Một tinh thần chung có thể nhận thấy trong Luật Kiến trúc, đó là đề cao vai trò và trách nhiệm nghề nghiệp của KTS. Do đó, bên cạnh việc tạo một môi trường lành mạnh hơn cho sáng tác kiến trúc, Luật cũng gắn trách nhiệm của người thiết kế với tác phẩm của mình – là điều kiện tiên quyết cho việc nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý xây dựng, trong đó có xây dựng nhà ở riêng lẻ.

PV: Thầy có ý kiến đóng góp, đề xuất nào đối với dự thảo Luật Kiến trúc đang được xây dựng?

PGS.TS.KTS. Phạm Trọng Thuật: Trong dự thảo Luật Kiến trúc, vấn đề văn hoá trong kiến trúc nhận được nhiều ý kiến phản hồi đa chiều. Theo tôi, nếu quan niệm kiến trúc là nghệ thuật và khoa học về tạo dựng không gian thì chúng ta có thể hiểu, nội hàm nghệ thuật nằm trong phạm trù văn hoá. Do đó, yếu tố văn hoá được nhắc tới trong kiến trúc cũng là dễ hiểu. Mỗi kiến trúc sư trong quá trình hành nghề đều ý thức được ngoài việc tạo dựng sự hợp lý về công năng, còn cần hướng tới một tác phẩm kiến trúc có bản sắc.

Tuy nhiên, dự thảo Luật không nên mô tả bản sắc văn hoá một cách chi tiết, vì đó là yếu tố không thể định lượng, mà cần có những định chế cụ thể hơn nữa để quản lý về diện mạo kiến trúc thông qua các công cụ quản lý là hệ thống các văn bản dưới luật như tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy chế.

PV: Trân trọng cảm ơn thầy!

Mai Thu

 

Nguồn: Báo Xây Dựng