Gỡ “nút thắt” để đẩy mạnh hơn nữa trong đấu thầu qua mạng

(ĐTCK) Câu chuyện tăng tính minh bạch, cũng như giảm chi phí trong hoạt động đấu thầu thông qua việc đẩy mạnh triển khai hình thức đấu thầu qua mạng là một vấn đề được hầu hết các doanh nghiệp và địa phương quan tâm đặt ra tại Diễn đàn Đấu thầu qua mạng do Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa tổ chức mới đây. Điều này đòi hỏi cần nhanh chóng tháo gỡ những “nút thắt” còn đang gây cản trở trong ứng dụng đấu thầu qua mạng tại các địa phương.
♦ 

Lợi ích của đấu thầu qua mạng

Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Hà Tiến Lực, Phó tổng giám đốc CTCP Chế tạo điện cơ Hà Nội – doanh nghiệp thường xuyên tham gia hoạt động đấu thầu cho biết, đấu thấu qua mạng đang là xu hướng được các doanh nghiệp quan tâm, bởi hình thức đấu thầu hiện đại này vừa giúp giảm thiểu tối đa những rủi ro mang tính khách quan, triệt tiêu các tiêu cực còn tồn tại trong đấu thầu truyền thống, vừa giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.

“Kinh nghiệm sau 6 năm tham gia đấu thầu qua mạng của chúng tôi cho thấy, doanh nghiệp có thể tiết giảm ít nhất 3-5% chi phí tùy mỗi gói thầu”, ông Lực nhấn mạnh.

Theo ông Lực, ban đầu, doanh nghiệp có thể sẽ e ngại, nhưng khi nhập cuộc mới thấy thực hiện đấu thầu qua mạng đem lại nhiều lợi ích, mà nổi bật là mang lại môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các nhà thầu.

Về phía địa phương, ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng cho biết, với đấu thầu qua mạng, Đà Nẵng tiết kiệm được 10-15% ngân sách, trong khi tỷ lệ này ở đấu thầu truyền thống là rất thấp.

Theo ông Sơn, đấu thầu truyền thống tồn tại nhiều rủi ro, các nhà thầu liên kết với nhau để chia sẻ thị phần… Nhằm hạn chế những bất cập này, thời gian qua, Đà Nẵng đã đưa ra danh mục đấu thầu cụ thể và yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện đấu thầu qua mạng với mục tiêu hoàn thành, thậm chí vượt con số mà Chính phủ yêu cầu về đấu thầu qua mạng.

Xem thêm:  Dịch Vụ Đăng Ký Trên Hệ Thống Mạng Đấu Thầu Quốc Gia Uy Tín

“Để đẩy mạnh áp dụng đấu thầu qua mạng trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn Chính phủ mở rộng đối tượng gói thầu/dự án áp dụng đấu thầu qua mạng như đấu giá đất, đấu thầu các gói tư vấn… Ngoài ra, bên cạnh đấu thầu trong nước, cũng cần mở rộng áp dụng đấu thầu qua mạng đối với đấu thầu quốc tế về các lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh như xuất khẩu gạo, cung cấp sản phẩm may mặc…”, ông Sơn đề xuất.

 

Những “nút thắt” cần tháo gỡ

Tuy mang lại nhiều lợi ích, nhưng trên thực tế, số doanh nghiệp tham gia đấu thầu qua mạng còn rất hạn chế, việc triển khai đấu thầu qua mạng tại các địa phương cũng gặp không ít khó khăn do hạn chế về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và đặc biệt là vấn đề nhận thức.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chia sẻ, hiện tại, hệ thống cơ sở pháp lý cho việc triển khai đấu thầu qua mạng dù đã tương đối đầy đủ, nhưng qua 3 năm triển khai, trong số 119 cơ quan thực hiện công tác đấu thầu theo lộ trình quy định, vẫn còn 41 cơ quan chưa thực hiện đấu thầu qua mạng.

“Một số cơ quan ban đầu lấy lý do gặp khó khăn khi triển khai, nhưng khi bắt tay vào thực hiện thì lại làm rất tốt. Điều này cho thấy, thay đổi nhận thức là rất quan trọng trong thúc đẩy áp dụng đấu thầu qua mạng”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

Về lý do khiến các bên liên quan chưa thực sự “hào hứng” trong việc chuyển đổi từ hình thức đấu thầu truyền thống sang đấu thầu qua mạng, theo đại diện Cục Quản lý đấu thầu, là vì sự minh bạch của đấu thầu qua mạng làm triệt tiêu những những “góc khuất”, từ đó ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của nhiều chủ đầu tư, nên vẫn còn một bộ phận không nhỏ muốn tìm mọi cách để trì hoãn triển khai.

Đây cũng là lý do giải thích tại sao dù có nhiều ưu điểm và lợi ích vượt trội, song tính tổng cộng từ trước đến nay, mới có khoảng 18% gói thầu được thực hiện theo hình thức đầu thầu qua mạng, cách rất xa so với mục tiêu đặt ra.

Xem thêm:  Hướng Dẫn Đăng Ký Online Chứng Chỉ Hành Nghề Xây Dựng Cho Cá Nhân

“Điều này cho thấy khó khăn lớn nhất hiện nay là nhận thức của các bên về đấu thầu qua mạng, cũng như niềm tin của nhà thầu vào hệ thống đấu thầu qua mạng vẫn chưa cao. Hiện tại, tỷ lệ nhà thầu tham gia đấu thầu qua mạng trung bình chỉ là 3 nhà thầu/gói thầu”, ông Tuấn nói.

Đại diện Cục Quản lý đấu thầu cho rằng, mặc dù Bộ Kế hoạch và đầu tư đang tích cực phối hợp Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hoàn thiện Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, trong đó tập trung xây dựng thêm các tiện ích nhằm tạo thuận lợi cho người dùng, song một mình nỗ lực của Bộ là chưa đủ để đảm bảo sự thành công.

“Chúng tôi kỳ vọng sự chia sẻ và tham gia tích cực của các bộ, ngành, cơ quan, các nhà tài trợ như WB, ADB, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, để phát triển Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia”, ông Tuấn kêu gọi.

 

Các bên liên quan cần hợp tác tích cực hơn

Ông Adu-Gyamfi Abunyewa, Chuyên gia cấp cao về đấu thầu của WB

Từ năm 2016, WB đã áp dụng đấu thầu qua mạng đối với một số gói thầu quy mô nhỏ sử dụng vốn vay của WB. Thực tế cho thấy, hệ thống đấu thầu qua mạng của Việt Nam vẫn còn tồn tại không ít hạn chế. Để khắc phục, thời gian qua, WB đã phối hợp với Chính phủ Việt Nam nhằm nâng cấp hệ thống, nâng cao năng lực và nhận thức của các bên liên quan và quá trình hợp tác đã mang lại những kết quả tích cực.

Mặc dù vậy, các bên liên quan cần hợp tác tích cực hơn với Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đưa môi trường đấu thầu của Việt Nam thực sự minh bạch. WB hiện đang kết hợp với ADB để cùng hỗ trợ Việt Nam tiếp tục phát triển hệ thống này.

 

Hiếu Minh