Hướng dẫn xử lý tình huống cho hợp đồng xây dựng gói thầu xây lắp và thiết bị

(Xây dựng) – Phúc đáp Văn bản của Văn phòng B – Nhà khách Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam về việc hướng dẫn xử lý tình huống cho hợp đồng xây dựng gói thầu “Xây lắp và thiết bị”, dự án Mở rộng Văn phòng B – Nhà khách Tổng LĐLĐ Việt Nam. Mới đây, Bộ Xây dựng đã có văn bản trả lời.

154516baoxaydung_image001

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Theo đó, về việc điều chỉnh thiết kế, quy mô, công suất, bố cục, công năng của dự án dẫn đến phải điều chỉnh dự án phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng và pháp luật có liên quan.

Việc điều chỉnh hợp đồng xây dựng thực hiện theo nội dung hợp đồng đã ký kết giữa các bên, phù hợp với hồ sơ mời thầu, hồ sơ dự thầu và các quy định của pháp luật áp dụng cho hợp đồng.

Nghị định 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng đã quy định: Tại khoản 3, Điều 15 “Hợp đồng trọn gói là hợp đồng có giá trị không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng đối với khối lượng các công việc thuộc phạm vi hợp đồng đã ký kết, trừ trường hợp bất khả kháng và thay đổi phạm vi công việc phải thực hiện”.

Xem thêm:  Góp ý Nhiệm vụ quy hoạch di tích quốc gia đặc biệt: Chùa Bổ Đà, Bắc Giang và đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP Hải Phòng

Tại khoản 3, Điều 36 “Giá hợp đồng sau điều chỉnh không làm vượt giá gói thầu hoặc dự toán gói thầu được phê duyệt (bao gồm cả chi phí dự phòng cho gói thầu đó) thì chủ đầu tư được quyền quyết định điều chỉnh; trường hợp vượt giá gói thầu hoặc dự toán gói thầu được phê duyệt thì phải được người có thẩm quyền quyết định đầu tư chấp thuận trước khi điều chỉnh và phải đảm bảo đủ vốn để thanh toán cho bên nhận thầu theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng”.

Tại khoản 3, Điều 39 “Khi điều chỉnh tiến độ hợp đồng không làm kéo dài tiến độ thực hiện hợp đồng (bao gồm cả thời gian được kéo dài tiến độ thực hiện hợp đồng theo quy định của hợp đồng xây dựng) thì chủ đầu tư và các nhà thầu thỏa thuận, thống nhất việc điều chỉnh. Trường hợp điều chỉnh tiến độ làm kéo dài tiến độ thực hiện hợp đồng thì chủ đầu tư phải báo cáo người có thẩm quyền quyết định đầu tư xem xét, quyết định”.

Theo nội dung Văn bản số 20/CV-VPB-TLĐ thì hợp đồng số 02/2015/TLĐ-SC5 ký ngày 09/12/2015 giữa Văn phòng B – Nhà khách Tổng LĐLĐ Việt Nam và Cty CP Xây dựng số 5 theo hình thức hợp đồng trọn gói và thời gian thi công là 540 ngày. Quá trình triển khai thi công đạt 50% giá trị gói thầu tạm dừng do vướng các quy định của pháp luật về sử dụng gạch nung, quá trình tổ chức đấu thầu các gói thiết bị (thang máy, điều hòa không khí, hệ thống nhôm kính) đều không đạt, thay đổi quy mô, công suất dự án, thay đổi bố cục công năng của dự án, thay đổi vật tư trang thiết bị dẫn đến thay đổi khối lượng hợp đồng, phát sinh khối lượng ngoài phạm vi hợp đồng và kéo dài thời gian thi công hợp đồng.

Xem thêm:  Thực hiện nhiệm vụ liên quan đến công tác phòng, chống rửa tiền

Như vậy, về nguyên tắc việc điều chỉnh hợp đồng số 02/2015/TLĐ-SC5 đối với phần khối lượng còn lại của hợp đồng và khối lượng ngoài phạm vi hợp đồng đã ký như Văn phòng B – Nhà khách Tổng LĐLĐ Việt Nam nêu tại Văn bản số 20/CV-VPB-TLĐ là phù hợp.

Tuy nhiên, các bên cần xem xét đánh giá tác động của việc điều chỉnh thiết kế, tạm dừng hợp đồng do các nguyên nhân khách quan, chủ quan và căn cứ nội dung hợp đồng đã ký, hồ sơ mời thầu, hồ sơ dự thầu và các quy định của pháp luật áp dụng cho hợp đồng để giải quyết việc điều chỉnh hợp đồng cho phù hợp với quy định, thẩm quyền và thực tế phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng. Trường hợp vượt quá thẩm quyền thì báo cáo người quyết định đầu tư xem xét quyết định việc điều chỉnh hợp đồng.

Huyền Trang

 

Nguồn: Báo Xây Dựng